Bình Xa phát triển dịch vụ, ngành nghề nông thôn

Xã Bình Xa (Hàm Yên) có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ và ngành nghề nông thôn. Nhờ đó, đã góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Hiện thu nhập bình quân của xã đạt 36,3 triệu đồng/người/năm.

Những năm qua, xã Bình Xa đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp thu hút, huy động nguồn lực đầu tư hạ tầng thương mại, dịch vụ. Chợ Bình Xa được mở rộng, các dịch vụ kinh doanh như nhà hàng, xăng dầu, vận tải được phát triển. Bình Xa trở thành khu vực trung chuyển hàng hóa cho các xã trong vùng. Trên địa bàn xã hiện có hàng chục nhà hàng, nhà nghỉ phục vụ ăn uống, lưu trú cho khách; gần 60 xe tải tham gia vận tải, trung chuyển hàng hóa. Bên cạnh đó, lĩnh vực xây dựng, tiểu thủ công nghiệp cũng có bước phát triển mạnh mẽ. Xã có 2 doanh nghiệp khai thác vật liệu xây dựng, 6 cơ sở cơ khí; 15 cơ sở sửa chữa ô tô, xe máy; 10 cơ sở chế biến lâm sản; 105 cơ sở tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ khác; 20 tổ thợ xây… đã tạo việc làm thường xuyên cho 500 lao động và hàng trăm lao động thời vụ.


Gia đình anh Lý Văn Hòa, xã Bình Xa (Hàm Yên) nuôi gà thiến và gà thịt thả vườn.

Bình Xa nổi tiếng với thương hiệu gà thiến Bình Xa. Toàn xã có khoảng 300 hộ nuôi gà trống thiến, trong đó có 50 hộ nuôi quy mô lớn từ 80 - 100 con/lứa. Để có chuỗi liên kết chăn nuôi tiêu thụ gà thiến trên địa bàn, tháng 4-2019, UBND xã đã thành lập HTX Gà thiến Bình Xa. Từ khi thành lập HTX, các thành viên được trao đổi, tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, nên quy trình chăn nuôi được triển khai nghiêm ngặt, bài bản hơn. Năm 2019, tổng đàn gà xuất bán ra thị trường của HTX trên 2.000 con, trọng lượng mỗi con từ 3,5 - 5 kg/con, giá bán bình quân 150.000 đồng/kg. Năm 2020, dự kiến sẽ tăng trên 5.000 con.

Chị Nguyễn Thị Nga, Giám đốc HTX Gà thiến Bình Xa cho biết, sau thời gian áp dụng quy trình chăn nuôi thương phẩm khoảng 10 - 12 tháng, đàn gà thiến của HTX đạt trọng lượng bình quân từ 3,5 đến 5 kg. Cùng với việc tìm kiếm và mở rộng thị trường tiêu thụ, HTX đang làm việc với các cơ quan liên quan đăng ký các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc gà để hạn chế tối đa dịch bệnh trên đàn gà, góp phần tăng thu nhập cho các hộ thành viên.

Ông Lý Văn Hùng, thôn Đèo Ảng cho biết, trung bình mỗi năm ông nuôi 80 - 100 con gà thiến. Nuôi gà thiến không tốn vì chúng ăn ít, hiệu quả kinh tế gấp đôi. Vào dịp Tết Nguyên đán, gà có giá 160 nghìn đồng/kg. Mỗi con gà thiến khoảng 4 kg, trừ chi phí giống, thức ăn, ông Hùng lãi ít nhất là 300 nghìn đồng. Từ khi có HTX thì việc tiêu thụ gà được đưa tới các nhà hàng ở thành phố Tuyên Quang và các tỉnh khác nên ông yên tâm hơn rất nhiều.

Nhiều hộ gia đình trên địa bàn xã phát triển nghề sản xuất bún khô. Điển hình là gia đình bà Nguyễn Thị Bình, thôn Thọ Bình đã duy trì nghề làm bún khô được 30 năm. Thời điểm khách đặt mua nhiều bà làm 3 - 4 tạ gạo/ngày, trừ chi phí lãi 15 - 20 triệu đồng/tháng. Nghề này đã nuôi sống gia đình bà, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.

Đồng chí Lê Ngọc Duyên, Bí thư Đảng ủy xã cho biết, phát triển ngành nghề nông thôn góp phần nâng cao thu nhập cải thiện đời sống nhân dân. Tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện còn 6%, giảm 4% so với năm 2015. Từ đó, người dân đã chung tay cùng các cấp chính quyền địa phương thực hiện xây dựng nông thôn mới. Đến nay, xã đã bê tông hóa 46/62 km đường trục xã, liên xã, trục thôn, liên thôn, đường ngõ, xóm và đường trục chính nội đồng; kênh mương được kiên cố hóa đạt 37/53 km, đảm bảo nước tưới phục vụ cho 367 ha lúa hai vụ và rau màu các loại. Xã có 12/18 thôn hoàn thành hệ thống đường điện thắp sáng.

Theo Báo Tuyên Quang

Tin cùng chuyên mục